Bún thang Hà Nội – Đặc sản không thể bỏ lỡ khi đến thủ đô
Nhìn tô bún thang ai ai cũng phải trầm trồ vì mức độ đầy đủ và thơm ngon của nó, nhìn tô bún đầy màu sắc từng được ví như “bún ngũ vị” thật khiến cho thực khách phát thèm khi nhìn vào.
Làm từ thực phẩm còn dư ngày Tết nên bát bún thang có mỗi thứ một chút được gom góp vào. Vì thế, để “chuẩn hóa hình dạng” nguyên liệu nấu bún thang nên đồ ăn được đem ra thái chỉ hoặc xé nhỏ. Nhờ đó, bún thang rất đa sắc, đa vị.
Bún thang thường được làm bằng tôm khô, thịt gà xé phay, giò lụa, trứng rán, củ cải dầm, trứng muối… và không thể thiếu những sợi bún bóng mịn, trắng phau. Cùng đó là nước dùng đậm đà, ngọt đặc trưng được làm từ xương gà hoặc xương lợn và tôm he ninh nhừ sau nhiều giờ.
Giữa bát là khoanh trứng muối màu vàng sẫm, xung quanh là trứng gà rán, giò lụa hồng đào, thịt gà trắng và da gà vàng ươm được xếp cạnh nhau, xen kẽ là nấm hương, ruốc tôm đỏ tươi. Trên cùng là lớp hành, rau thơm rải đều và lát ớt đỏ đầy hấp dẫn.
Một thành phần quyết định quan trọng tới độ ngon, thanh của bún thang là nước dùng. Nước dùng chính là phần cốt lõi và linh hồn của bún thang Hà Nội. Nước dùng phải thật thanh và đủ vị sẽ khiến cho món ăn trở nên đặc sắc và bắt vị hơn bao giờ hết.
Quy trình làm bún thang như sau: Bún được chần qua nước sôi, vẩy cho ráo nước rồi đặt vào chiếc bát (loại bát đáy nhỏ miệng loe). Sau đó, sẽ sắp xếp các nguyên liệu theo hình thang đã được chế biến xong để xuôi vào bát. Lòng khung được chia thành 5 phần bằng nhau. Khung được đặt trên miệng bát bún rồi sắp 5 loại nhân thang là trứng gà, giò lụa, thịt gà (phần lườn nạc và phần thịt xé nguyên da), củ cải dầm khô. Nhấc khung ra rồi mới chan nước dùng thật nhẹ tay. Vậy là được bát bún thang Hà Nội đúng kiểu.
Bún thang có thể ăn kèm với mắm tôm và một vài giọt nước mắm cà cuống – thứ hương vị nồng và đậm đà của Bắc Bộ. Mùi thơm của nước dùng, vị ngọt thanh tao của gà và tôm, chút cay nồng của cà cuống hòa quyện với nhau làm hài lòng người thưởng thức.
Bún thang ngon đến nổi nhà thơ Vũ Bằng cũng từng dùng chính lời văn của mình để khen cho cái gọi là thứ quà của Hà Nội.
“…Quý, nhưng mà làm cho thang ngon, nhất định là phải nhờ ở nước dùng nấu cách nào cho thật ngọt, mà đừng béo quá, lúc chan vào bát bún nóng cứ bỏng rẫy lên. Lúc đó, một chút mắm tôm cà cuống đệm vào làm tăng vị của thang lên đến cái mức ăn ngon gần như “không thể nào chịu được”, nhất là thỉnh thoảng ta lại đệm vào một miếng củ cải trắng nõn trắng nà, ngâm nước mắm tốt, nhai cứ giòn tanh tách.” Như một người sành sỏi, Vũ Bằng đã miêu tả quy trình cũng như cách dùng của một người trung thành với món bún này từ lâu. Có lẽ đây là đặc sản, một thức quà Hà Nội mà ngay cả ông cũng không thể nào từ chối và lãng quên hương vị của nó.